Lượt xem: 597

Nông dân Sóc Trăng nhạy bén lựa chọn mô hình sinh kế thích ứng trong điều kiện xâm nhập mặn

Mặc dù có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhưng Sóc Trăng cũng là một trong số những địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, điển hình là hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra vào mùa khô hằng năm. Để thích ứng an toàn trong điều kiện bất lợi này, thời gian qua, người nông dân Sóc Trăng đã rất nhạy bén trong việc nhân rộng nhiều mô hình sinh kế đa dạng, phù hợp với nguồn lực của từng hộ thay thế cho việc canh tác lúa vào mùa hạn, mặn.

 


Nuôi bò thịt – mô hình chuyển đổi sinh kế trong mùa hạn, mặn.

 

    Sóc Trăng là tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Hậu, giáp biển Đông, trong năm có khoảng 6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu vào trung tuần tháng 5 đến tháng 10 dương lịch và mùa khô thường bắt đầu vào tháng 11 đến đầu tháng 5 năm sau. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nên hình thái khí tượng này không còn tuân theo một quy luật nhất định nữa, thay vào đó là những biến đổi bất thường rất khó dự báo. Mùa mưa có xu hướng ngắn dần và mùa khô có xu hướng tăng dần, nguồn nước ngọt đầu nguồn sông Mêkông ít dần, nên hằng năm, vào mùa khô nước mặn theo hệ thống sông rạch tự nhiên xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

    Mùa khô ở những vùng tiếp giáp các cửa sông đổ ra biển như Trần Đề, Long Phú hay ngay cả vùng cách cửa sông vài chục km như một số khu vực ở huyện Mỹ Xuyên, Châu Thành và thành phố Sóc Trăng đều bị thiếu nguồn nước ngọt cho trồng trọt, nhất là canh tác lúa. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra trong sản xuất, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và các địa phương đã chủ động quy hoạch lại vùng sản xuất, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi để trữ ngọt, ngăn mặn và thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp phi công trình như: Chuyển đổi cơ cấu canh tác cho phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, tập trung khuyến cáo nông dân chuyển đổi từ 3 vụ lúa rủi ro sang sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc. Theo đó, lịch thời vụ cũng có sự thay đổi để phát huy tối đa lợi thế của từng vụ như bố trí Hè Thu chính vụ và Đông Xuân sớm để tránh hạn đầu mùa mưa và né xâm nhập mặn vào mùa khô. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có sự chỉ đạo sản xuất nông nghiệp rất sát sao và kịp thời, khuyến khích nông dân không canh tác lúa vụ Đông Xuân muộn ở những vùng không đảm bảo nguồn nước ngọt và có nguy cơ bị mặn xâm nhập bằng các mô hình sinh kế rất đa dạng, phù hợp với nguồn lực của từng nông hộ mang lại nguồn thu nhập trong điều kiện không canh tác cây lúa, vốn là cây trồng cần nhiều nước và thời gian canh tác dài trên 3 tháng từ khâu chuẩn bị đất đến khi thu hoạch.

    Ngay khi thu hoạch dứt điểm trà lúa Đông Xuân chính vụ, 02 công đất canh tác lúa đã được ông Lâm Sang ở Phường 7, thành phố Sóc Trăng cải tạo để xuống giống cây màu. Cũng như 5 năm nay, dưa hấu tiếp tục là cây màu được ông Sang lựa chọn canh tác thay cho lúa vụ 3. Theo ông Sang chia sẻ, dưa hấu có thời gian sinh trưởng ngắn, nhu cầu nước tưới ít hơn cây lúa nên nông dân không gặp nhiều áp lực khi canh tác vào mùa khô. So với canh tác lúa, trồng dưa hấu mang đến lợi nhuận cao từ 2 đến 3 lần trên cùng một đơn vị diện tích. Các loại cây thuộc họ bầu, bí, dưa như: Bí đỏ, bí xanh, dưa gang, dưa hấu là những cây có thời gian sinh trưởng ngắn, nhu cầu nước tưới ít hơn cây lúa và khả năng thích ứng trong điều kiện nắng nóng đã được nông dân ở một số địa phương vùng đất gò cao như xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên), xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), xã An Ninh (huyện Châu Thành), hay như một số khu vực ở phường 7, thành phố Sóc Trăng, cũng được bà con lựa chọn là cây trồng thay thế cho vụ sản xuất lúa Đông Xuân muộn hằng năm.  Ông Sang chia sẻ thêm: “Trồng dưa cho lợi nhuận cao hơn lúa. Thu hoạch 1 công (nếu trúng) là được khoảng 6 tấn, còn trung bình thì từ 4- 5 tấn. Cứ 1 công dưa như vậy trừ chi phí rồi mình có lợi khoảng 12 hoặc 13 triệu. Trồng lúa vụ 3 mà nước mặn vô rồi là năng suất bị ảnh hưởng nhiều lắm. Vì vậy mà xung quanh khu vực này bà con cũng chỉ làm 02 vụ trong năm thôi”.

    Khác với việc đi tìm loại cây trồng thích nghi để thay thế cây lúa, nhiều bà con nông dân đã mạnh dạn để đất trồng lúa được nghỉ trong suốt những tháng mùa khô hạn, chỉ duy trì sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc trong năm. Một nghề được nhiều bà con nông dân lựa chọn để ổn định thu nhập trong thời gian này là chăn nuôi bò thịt. Đây cũng là một trong những đối tượng vật nuôi chủ lực của tỉnh Sóc Trăng. Thành công từ mô hình chuyển đổi này có thể nhắc đến anh Triệu Văn Mô Ra ở ấp Sóc Mới, xã Long Phú, huyện Long Phú. Sau nhiều năm thất thoát vì canh tác lúa vụ 3, làm lúa kết hợp chăn nuôi bò thịt là mô hình kinh tế kết hợp mang đến lợi nhuận khá ổn định cho gia đình anh trong nhiều năm qua. Từ 2 cặp bò giống được thả nuôi ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình đã phát triển được 13 con. Không còn những lo ngại về bài toán kinh tế cho gia đình trong mùa khô, việc phát triển chăn nuôi bò trong thời gian ngưng canh tác lúa vừa tạo công việc ổn định cho gia đình, vừa giảm được phần nào chi phí đầu tư cho sản xuất khi tận dụng được nguồn rơm rạ ngay sau khi kết thúc vụ lúa để làm thức ăn dự trữ cho bò trong suốt những tháng mùa khô. Anh Mô Ra cho biết thêm: “Mỗi năm như vậy xuất bán khoảng 3 đến 4 con bò thịt, thu lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng. Nhẹ công hơn nhiều so với trồng lúa, vì không sợ hạn, mặn làm thiệt hại năng suất. Cứ để cho đất nghỉ ngơi như vậy khi làm vụ sau cũng sẽ đạt hơn”.

    Có thể thấy, “cái khó đã không bó cái khôn”, trong nhiều cái khó của sự biến đổi, người nông dân Sóc Trăng luôn có những giải pháp thích ứng sáng tạo, khoa học. Hạn, mặn do biến đổi khí hậu sẽ không còn là hiểm họa bất ngờ dẫn đến thiệt hại đối với sản xuất và đời sống, nếu như chúng ta biết chủ động cập nhật thông tin và ứng phó một cách linh hoạt phù hợp thực tiễn với tinh thần “thuận thiên” theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, hiện tượng xâm nhập mặn đã không còn diễn ra theo chu kỳ mà là “câu chuyện quen thuộc” xảy ra hằng năm và mỗi năm mỗi khắc nghiệt hơn. Để duy trì sinh kế nông nghiệp bền vững và phát huy tối đa hiệu quả kinh tế mang lại trước diễn biến cực đoan của thời tiết, khí hậu, đòi hỏi người nông dân cần hiểu rõ hơn về giải pháp “thuận thiên” trong sản xuất cũng như những khuyến cáo có liên quan.


Nông dân đưa cây màu xuống chân ruộng trong mùa khô.

 

    Kỹ sư Võ Quốc Trung – cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Dù áp dụng giải pháp canh tác hay lựa chọn mô hình sinh kế nào đi nữa, thì có một số vấn đề mà bà con cần quan tâm. Thứ nhất, lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đặc thù của từng nơi, trong đó chú ý tổ chức sản xuất và có liên kết, định hướng thị trường để sản phẩm làm ra không phải rơi vào cảnh được mùa mất giá. Thứ hai, để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, bà con phải chú ý áp dụng các quy trình canh tác đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm và giá bán được tốt hơn. Thứ ba, phải có tính liên kết hợp tác trong quá trình sản xuất thông qua mô hình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, có thể phát triển từ tổ hợp tác rồi nâng dần lên thành hợp tác xã, như vậy nông dân sẽ giải quyết tốt bài toán đầu ra cho nông sản khi thu hoạch”.

    Công tác ứng phó hạn, mặn tại Sóc Trăng đã có sự tiến bộ hơn từ sau đợt hạn mặn lịch sử 2015 – 2016. Tuy nhiên, những ảnh hưởng nghiêm trọng mà hạn, mặn gây ra vẫn là nỗi lo lắng “phập phồng” của hầu hết bà con có sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp. Chính vì vậy mà bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chuyên môn trong các giải pháp ứng phó thì ý thức chủ động từ chính nông dân sẽ là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo những vụ mùa an toàn ngay trong giai đoạn hạn, mặn khắc nghiệt vào cao điểm mùa khô; góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Sóc Trăng phát triển một cách bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 206
  • Trong tuần: 70,633
  • Tất cả: 11,802,640